90% người Việt Nam ăn gạo “bẩn”?
6:22 am

Ông Phạm Thái Bình – Tổng giám đốc Công ty cổ phần nông nghiệp công nghệ cao Trung An (Công ty Trung An) – nói như trên, tại trao đổi “Xuất khẩu châu Âu từ lợi thế EVFTA, hàng Việt cần gì?” ngày 3/9.

“Tôi xin khẳng định, 90% người Việt Nam ăn gạo bẩn, có khi 90% là khiêm tốn… Rất nhiều người nghĩ ăn gạo bẩn không chết, mà thực tế thì Việt Nam hay thế giới ăn gạo bẩn cũng không ai chết ngay cả. Tuy nhiên nhiều năm trở lại đây tỷ lệ người bị ung thư, tiểu đường… ngày càng tăng, mà nguyên nhân có sự góp phần của gạo bẩn, của thuốc bảo vệ thực vật tích tụ trong gạo” – ông Bình thẳng thắn.

Ông Phạm Thái Bình – Tổng giám đốc Công ty Trung An

Ông Bình cũng cho rằng, người tiêu dùng cũng đã nhận thức được mối nguy này, và tìm mua “gạo sạch”. Nhưng “gạo bẩn” chiếm tới 90%, 10% được xem là “gạo sạch” được một số doanh nghiệp đầu tư trồng. Do “gạo sạch” số lượng rất hạn chế nên nảy sinh vấn đề “trồng1 nhưng bán tới 2, tới 3”. Có người chỉ trồng 5 héc-ta gạo hữu cơ – Global GAP mà mở cửa hàng gạo sạch bán khắp cả nước. Nhiều cửa hàng ở TPHCM hay Hà Nội bán tràn lan gạo Global GAP, nhưng được trồng ở đâu thì chẳng ai biết.

“Diện tích trồng lúa tiêu chuẩn của chúng tôi lên tới hàng chục ngàn héc-ta mà sản lượng gạo sạch vẫn chỉ là con số rất nhỏ, chưa dám nói là phân phối đủ cho Đồng bằng sông Cửu Long này được” – ông Bình nói.

Lãnh đạo Công ty Trung An cho rằng, người tiêu dùng khi mua gạo đừng quá dễ dãi mà phải đòi hỏi nhà cung cấp về giấy chứng nhận sản phẩm, từ đó truy xuất nguồn gốc sản phẩm mình đang dùng.

Ông Bình cho biết thêm, hiện Việt Nam cũng đã xuất khẩu gạo vào các thị trường khó tính như châu Âu. Theo ông Bình, gạo đạt tiêu chuẩn vào châu Âu không phải là khó. Tiêu chuẩn Global GAP để xuất khẩu vào châu Âu không khác gì nhiều so với tiêu chuẩn VietGAP, vì GAP là thực hành nông nghiệp tốt, trong đó quan trọng là không có thuốc bảo vệ thực vật trong thực phẩm. Tuy nhiên, chứng nhận VietGAP không được các nhà nhập khẩu chấp nhận bởi một số sản phẩm VietGAP đi vào châu Âu thì lại có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, bị trả lại. Châu Âu không tin tưởng chứng nhận VietGAP nên các doanh nghiệp muốn xuất hàng vào thị trường này phải theo tiêu chuẩn Global GAP.

Theo : https://www.phunuonline.com.vn/90-nguoi-viet-nam-an-gao-ban-a1417028.html